- Là chủ nhân của trường THPT Tôn Thất Tùng, bạn đã biết những gì về cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng? Chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Hi vọng là vật có cánh
Nó bay đậu xuống tâm hồn
Và cất lên những bản nhạc không lời
Không bao giờ ngưng nghỉ.
Khi phải đối diện với căn bệnh hiểm nghèo, hay tử thần, xin đừng tuyệt vọng, hãy tin rằng cuộc sống có rất nhiều điều kì diệu, và người sẽ đem đến cho bạn điều kì diệu đó là giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng.
Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh năm 1912, trong gia đình hoàng tộc Huế, ngay từ nhỏ ông đã chán cảnh quan trường và có những đồng cảm với nỗi khổ của người dân, nên ông không học để làm quan mà chọn một nghề phục vụ cho nhân dân, đó là là nghề y.
Giáo sư Tôn Thất Tùng là người đam mê nghiên cứu khoa học và có tài năng sáng tạo tuyệt vời. Khi mới là sinh viên trường đại học y Hà Nội ông đã miệt mài suốt 4 năm trong các phòng mổ xác và mổ 200 lá gan người chết để tìm hiểu và vẽ sơ đồ về các mạch máu của gan chỉ bằng một dụng cụ hết sức thô sơ đó là chiếc nạo xương… Khám phá này của ông đã được Đại học Pari tặng huy chương bạc. Khi đó ông mới 27 tuổi.
Đối với giáo sư Tôn Thất Tùng, khoa học là một phần cuộc sống của ông. Trong thời kì ở chiến khu Việt Bắc, khó khăn gian khổ chồng chất, nhưng ông đã cùng với giáo sư Đặng Văn Ngữ chế tạo thành công thuốc kháng sinh penicilin và steptomicin để cứu chữa thương, bệnh binh và đồng bào vùng kháng chiến.
Năm 1962 giáo sư Tôn Thất Tùng công bố kĩ thuật cắt gan mới đó là “Phương pháp cắt gan khô”, phương pháp này đã gây chấn động giới y khoa thế giới, họ rất sửng sốt vì phương pháp cắt gan của giáo sư Tôn Thất Tùng có thời gian ngắn kỉ lục chỉ từ 4 đến 10 phút, và tỉ lệ an toàn cao nhất. Một điều đáng ngạc nhiên nữa là giáo sư Tôn Thất Tùng không mổ bằng dao điện hay tia laze mà chỉ mổ bằng những dụng cụ thông thường. Chính vì thế mà phương pháp cắt gan của ông được phổ biến trên toàn thế giới và được ghi vào từ điển y khoa thế giới với tên gọi “phương pháp Tôn Thất Tùng”. Với thành công này giáo sư Tôn Thất Tùng được tặng huân chương vàng của hội phẫu thuật quốc tế Pari. Và là 1 trong 12 người trên thế giới được nhận giải thưởng danh giá này. Ông được bầu là viện sĩ viện hàn lâm y khoa Liên Xô và hội viên Hội phẫu thuật Pari. Tên của ông còn gắn liền với việc nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc dioxin đối với môi trường và con người Việt Nam, với cách điều trị ung thư gan – một căn bệnh nan y mà giới y học thế giới đang dày công nghiên cứu. Trong cuộc đời của mình, giáo sư đã để lại cho y học Việt Nam 123 công trình trong đó có nhiều công trình tầm cỡ thế giới. Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng khoa học lớn.
Là bác sĩ tầm cỡ thế giới, là nhà khoa học lớn, là Thứ trưởng Bộ y tế, thế nhưng giáo sư Tôn Thất Tùng luôn sống giản dị, gần gũi và tận tình chăm sóc bệnh nhân với 1 tình cảm đặc biệt như đối với người thân của mình. Ông đã luôn khắc phục mọi thiếu thốn để cứu sống họ; có lần đang mổ cho bệnh nhân thì mất điện ông dùng điện xe đạp để mổ, thiếu chỉ khâu vết thương ông lấy dây dù của Pháp, cần làm tăng thân nhiệt của bênh nhân ông cho bệnh nhân sưởi nắng”… Có biết bao nhiêu câu chuyện về người thầy thuốc mẫu mực của nhân dân, mà ta không thể nào kể hết.
Giáo sư Tôn Thất Tùng còn là người thầy giáo mẫu mực, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Khi nước nhà mới giành được độc lập, giáo sư Tôn Thất Tùng và giáo sư Hồ Đắc Di đã thành lập trường Đại học Y Hà Nội. Theo giáo sư: “một người thầy tài ba khi chết đi cái để lại cho đời là những học trò”. Ông rất quan tâm tới sinh viên và các bác sĩ trẻ. Ông theo dõi từng động tác phẫu thuật, từng câu chẩn đoán trong các bệnh án. Ông thường nhắc nhở mọi người rằng: Cái sai nhỏ nhất của người bác sĩ cũng ảnh hưởng đến sinh mạng con người. Giáo sư rất tin tưởng vào thế hệ trẻ, ông thường giao việc để họ được thử sức và thể hiện khả năng… vì thế mà giáo sư đã đào tạo được đội ngũ bác sĩ tài năng như giáo sư bác sĩ Đặng Hanh Đệ, Tôn Thất Bách, Tôn Đức Lang, Bùi Đức Phú …
Giáo sư Tôn Thất Tùng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho khoa học, cho nhân dân và cho Tổ quốc, xin được mượn lời một bác sĩ nước ngoài để nói về ông “Không ai có thể thay thế được giáo sư Tôn Thất Tùng, không một nhà phẫu thuật có tầm cỡ nào như ông trong thế hệ hiện nay”. Giáo sư Tôn Thất Tùng mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt nam và nghành y Việt Nam.
Trường chúng ta thật vinh dự và tự hào được mang tên giáo sư Tôn Thất Tùng. Ban giám hiệu của trường đã lấy 3 chữ T trong tên của ông làm tiêu chí hoạt động của trường đó là “trung thực – tình thương – trách nhiệm” và quyết tâm thực hiện xuất sắc tiêu chí hoạt động đó./.