Giáo sư – Bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912 – 1982) |
Trường THPT Tôn Thất Tùng vinh dự được mang tên một vị giáo sư ,bác sĩ tài năng, một nhà giáo ưu tú, người con hội tụ cả đức và tài, người làm rạng danh nền y học Việt Nam, đó chính giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng!
GS Tôn Thất Tùng sinh năm 1912 trong một gia đình quý tộc tại Thanh Hoá. Cha ông qua đời khi ông mới ba tháng tuổi. Mẹ ông đã đưa gia đình vào Huế và định cư ở đó. Chứng kiến cảnh tượng quan lại ở Huế, người thanh niên Tôn Thất Tùng đã ra Hà Nội học trường Bưởi (Chu Văn An ngày nay) và sau đó vào học Trường Đại học Y khoa Hà Nội với suy nghĩ đây là nghề “tự do”, không phụ thuộc vào quan lại hay chính quyền thực dân. Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình giáo sư Tôn Thất Tùng, đã để lại khoảng 123 công trình khoa học trong đó tiểu biểu nhất là phương pháp mổ gan khô hay còn gọi là “phương pháp Tôn Thất Tùng” trong phẫu thuật gan thế giới.
Thông minh xuất chúng, mới 27 – 28 tuổi, Tôn Thất Tùng đã có công trình được tặng huy chương bạc của Liên hiệp Pháp và huy chương bạc của Đại học Y Paris.
Sau 39 năm nghiên cứu và lao động không biết mệt mỏi, chỉ nhờ vào khối óc và bàn tay với những dụng cụ thô sơ giáo sư đã có kĩ thuật phẫu tích đặc biệt bằng cái nạo để nạo gan mà không dùng đến phương pháp cổ điển.. Phương pháp này cho phép cắt gan chỉ mất 4-8 phút, người bệnh mất rất ít máu và cho phép cắt những phần gan nhỏ nhất để bảo vệ những phần gan khỏe mạnh.
Trong khi, nếu theo phương pháp vẫn được coi là kinh điển mang tên vị giáo sư người Pháp Lortat-Jacob, thì phải mất 3-6 giờ. Nghiên cứu cắt gan khô của giáo sư Tôn Thất Tùng đã được giới phẫu thuật thế giới nhất trí thừa nhận là một phương pháp kinh điển về phẫu thuật gan.
Năm 1977, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng GS Tôn Thất Tùng Huy chương vàng phẫu thuật quốc tế Lannelongue, giải thưởng cao quý nhất trong ngành phẫu thuật thế giới, 5 năm mới tặng 1 lần cho một nhà phẫu thuật xuất sắc nhất. GS Hồ Đắc Di, cũng là một danh y, đã hết lời khen ngợi: “Trong giới phẫu thuật thế giới, số người được giải thưởng Lannelongue như anh ấy quá hiếm, hiếm hơn cả số nhà vật lý được giải thưởng Nobel hay số nhà toán học được giải thưởng Fields… Có vị giáo sư người Pháp đã nói thế này: “Tôn Thất Tùng là một của báu xa xỉ đối với Việt Nam”…
Với tư cách là một nhà khoa học, một nhà phẫu thuật, một nhà giáo ưu tú, giáo sư Tôn Thất Tùng đã từng tham gia nhiều hội nghị khoa học quốc tế về y học, được mời giảng bài ở nhiều trường đại học y khoa và viện y học danh tiếng tại nhiều quốc gia. Giáo sư được công nhận là Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, Pháp, Đức và nhiều quốc gia khác…
Ngoài những đóng góp to lớn cho nền y học thế giới, GS Tôn Thất Tùng còn là người đặt nền móng xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại như xây dựng Trường Đại học Y Hà Nội, sản xuất thành công Penicillin góp phần giảm thương vong cho quân và dân ta trong điều kiện dã chiến. Và đặc biệt thế giới luôn trân trọng những nghiên cứu mở đường của GS về tác hại của chất dioxin đối với con người và môi trường Việt Nam. Ngoài ra, ông còn có công lao to lớn trong việc đào tạo một đội ngũ các thầy thuốc có y đức, giỏi chuyên môn, là tấm gương người thầy mẫu mực, trung thực, say mê khoa học, hết lòng yêu thương học trò…
Với tổ quốc mà ông nguyện cống hiến cả cuộc đời, GS Tôn Thất Tùng được Đảng và Nhà nước ghi nhận những đóng góp to lớn của ông bằng những Danh hiệu cao quí nhất, người dân Việt Nam tôn vinh GS là người thầy thuốc nhân dân, Với học trò GS là người thầy tôn kính.
Ngày 7-5-1982 ông qua đời tại Hà Nội. Nhưng như đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết :
“ Kiều rằng những bậc tài danh
Thác là thể phách còn là tinh anh.”
Tôn Thất Tùng là một trong những bậc tài danh ấy, tuy ông đã rời cõi tạm nhưng đạo đức, nhân cách và những cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, cho nền y học Việt Nam và thế giới của GS Tôn Thất Tùng còn sống mãi. Không chỉ Huế và Hà Nội mà ở cả TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Đồng Tháp đều có con đường, trường học mang tên ông.Vinh dự được mang tên bác sĩ ,giáo sư Tôn Thất Tùng, các thế hệ thầy cô và học trò trường Tôn Thất Tùng vẫn đang phấn đấu không ngừng để xứng đáng với danh nhân mà trường mang tên, tiếp nối truyền thống con Lạc cháu Hồng góp phần làm rạng rỡ non sông Việt Nam!