Ở trung học phổ thông, học sinh học 2.284 giờ; giảm 262 giờ so với chương trình Ban cơ bản hiện hành; giảm 315 giờ so với chương trình Ban A, Ban C hiện hành.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông, gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Bộ đang hoàn thiện để ban hành Thông tư ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới theo trình tự, thủ tục pháp luật đã quy định trong tháng 10 năm 2018.
Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế theo định hướng “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”.
Đồng thời, chương trình giáo dục phổ thông mới đã giảm tải so với chương trình hiện hành bao gồm giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành.
Cụ thể: ở tiểu học, chương trình mới có 7 môn học ở lớp 1 và lớp 2; 9 môn học ở lớp 3; 10 môn học ở lớp 4 và lớp 5. Chương trình hiện hành có 10 môn học lớp 1, lớp 2 và lớp 3; 11 môn học ở lớp 4 và lớp 5.
Ở trung học cơ sở, theo chương trình mới, các lớp đều có 12 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.
Ở trung học phổ thông, theo chương trình mới, các lớp đều có 13 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.
Về giờ học, ở bậc tiểu học, học sinh học 2.838 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ.
Nhìn số giờ tăng nhưng việc “giảm tải” được Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích là bởi:
Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học.
Còn chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.
Ở trung học cơ sở, học sinh học 3.070 giờ; giảm 54 giờ so với chương trình hiện hành.
Ở trung học phổ thông, học sinh học 2.284 giờ; giảm 262 giờ so với chương trình Ban cơ bản hiện hành; giảm 315 giờ so với chương trình Ban A, Ban C hiện hành…
Đồng thời, chương trình giáo dục phổ thông mới tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên chủ động, sáng tạo lựa chọn phương pháp phù hợp để tổ chức dạy học, đánh giá học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng tăng nội dung dạy đạo đức và kỹ năng sống (dạy làm người) cho học sinh để đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước, ý thức công dân toàn cầu; khuyến khích sáng tạo và phát triển năng lực của học sinh và giáo viên.
Nội dung giáo dục hướng nghiệp được thiết kế thành các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và doanh nghiệp nhằm cung cấp tri thức về nghề nghiệp và thị trường lao động cho học sinh, giúp học sinh tự đánh giá sở trường, nguyện vọng, quan niệm về giá trị và điều kiện của bản thân, từ đó lựa chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp và có ý thức chuẩn bị cho việc thực hiện sự lựa chọn đó.
Với tinh thần này, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện ở nhiều môn học khác nhau: từ các môn khoa học tự nhiên – công nghệ đến khoa học xã hội, nghệ thuật và hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, phù hợp với đặc thù của mỗi môn học.
Cùng với việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông;
Biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; tích cực phối hợp với các địa phương rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện thành công chương trình.